Cẩm nang Phí đường bộ cho xe dưới 10 chỗ mới nhất 2021

Việc sở hữu một chiếc xe ô tô con vốn không phải điều đơn giản. Ngoài số tiền không nhỏ bỏ ra để mua xe, bạn cần chuẩn bị tiền để đóng một số loại phí, lệ phí liên quan đến chiếc xe. Trong số đó là phí sử dụng đường bộ. Chỉ cần bỏ ra 5 phút đọc bài viết, bạn đã có đủ kiến thức cần thiết liên quan đến loại phí này.

 

Phí sử dụng đường bộ là gì?

Phí sử dụng đường bộ hay còn gọi là phí đường bộ hoặc phí bảo trì đường bộ là loại phí bắt buộc mà chủ các phương tiện tham gia giao thông phải nộp để sử dụng cho mục đích sửa chữa, bảo trì đường bộ.

Dù bạn đi nhiều, đi ít hay không đi, bạn cũng phải nộp khoản phí này trừ trường hợp xe của bạn thuộc diện được miễn phí.

Sau khi nộp phí đường bộ, chủ xe sẽ được phát tem để dán lên kính chắn gió trước xe, trên tem ghi rõ biển số xe và ngày ngày hết hạn.

Nộp phí đường bộ ở đâu?

Phí đường bộ có thể được nộp ở 3 địa điểm dưới đây:

Địa điểm 1: Các trạm đăng kiểm xe cơ giới nơi gần nhất (Đây là địa điểm được bác tài áp dụng nhiều nhất để tránh bị quên đóng và mất công đi lại nhiều lần)

Địa điểm 2: Các trạm thu phí đường bộ trên các quốc lộ

Địa điểm 3: Nộp tại các trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, huyện nơi gần nhất

 

Thời gian nộp phí đường bộ như thế nào?

Thời gian nộp phí đường bộ theo chu kỳ đăng kiểm

  • Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm từ 01 năm trở xuống: Chủ phương tiện thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ đăng kiểm và được cấp tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.
  • Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm trên 01 năm (18, 24 và 30 tháng): Chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng).

 

Thời gian nộp phí đường bộ theo năm dương lịch

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nộp phí theo năm dương lịch gửi thông báo bằng văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) đến đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí theo năm dương lịch đối với các phương tiện của mình.

Hàng năm, trước ngày 01/01 của năm tiếp theo, chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí cho năm tiếp theo. Khi thu phí, đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí cho từng xe tương ứng thời gian nộp phí.

 

Thời gian nộp phí đường bộ theo tháng

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện nộp phí theo tháng.

Doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) gửi đơn vị đăng kiểm. Và thực hiện nộp phí đối với các phương tiện của mình. Hàng tháng, trước ngày 01 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đến đơn vị đăng kiểm (đã đăng ký nộp theo tháng) nộp phí cho tháng tiếp theo.

 

Mức phí sử dụng đường bộ cho xe ô tô dưới 10 chỗ mới nhất 2021

(Đvt: nghìn đồng)

Loại xe 1 tháng 6 tháng 12 tháng 18 tháng 24 tháng 30 tháng
Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ (đăng ký tên cá nhân) 130 780 1560 2280 3000 3660
Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ (đăng ký tên doanh nghiệp hoặc tổ chức, cơ quan, đoàn thể) 180 1080 2160 3150 4150 5070

 

  • Mức thu của 01 tháng năm thứ 2 (từ tháng thứ 13 đến tháng thứ 24 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 92% mức phí của một tháng trong biểu nêu trên
  • Mức thu của 01 tháng năm thứ 3 (từ tháng tứ 25 đến tháng thứ 30 tính từ khi đăng kiểm và nộp phi) bằng 85% mức phí của một tháng trong biểu nêu trên.
  • Thời gian tính phí theo biểu nêu trên tính từ khi bắt đầu kỳ đăng kiểm xe mới, không bao gồm thời gian của chu kỳ đăng kiểm trước. Trong trường hợp chủ phương tiện chưa nộp phí của chu kỳ trước thì phải nộp bổ sung tiền phí của chu kỳ trước.

Số tiền phải nộp = Mức thu 01 tháng X Số tháng chưa nộp của chu kì trước

 Quy trình nộp phí đường bộ

  • Khi đến các địa điểm nộp phí đường bộ, bạn sẽ được phát Tờ khai phí sử dụng đường bộ theo mẫu số 01/TKNP tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC (download mẫu văn bản – link)
  • Sau khi điền đầy đủ thông tin, bạn tiến hành nộp tiền cho cán bộ thu phí.
  • Nộp tiền xong, bạn sẽ nhận được kết quả là Biên lai thu phí đường bộ và Tem nộp phí đường bộ (xanh).
  • Tem nộp phí đường bộ sẽ được dán lên kính chắn gió trước xe.

Như vậy bạn đã hoàn thành thủ tục nộp phí sử dụng đường bộ

 

Câu hỏi thường gặp

1. Phí cầu đường BOT khác gì phí đường bộ?

Carback trả lời:

Phí cầu đường là phí mà nhà nước thu để bù lại chi phí bỏ ra để làm một con đường nào đó, được thu trực tiếp mỗi lần xe đi qua bằng trạm thu BOT.

BOT viết tắt của Build-Operate-Transfer nghĩa là Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao. Chính phủ có thể kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (Build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (Operate) và sau cùng là chuyển giao (Transfer) lại cho nhà nước sở tại.

Tóm lại, phí đường bộ đóng 1 lần cho cả chu kỳ, không kể phương tiện đó lưu thông trên đường ít hay nhiều. Còn phí cầu đường là khoản phí trả từng lần tại trạm thu BOT, khi phương tiện muốn lưu thông trên một đoạn đường nào đó.

2. Tem kiểm định khác gì tem nộp phí đường bộ?

Carback trả lời:

Tem kiểm định là biểu trưng khi xe đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Tem kiểm định có chữ đen viền trắng, màu vàng chủ đạo.

Nếu không dán tem kiểm định, bạn sẽ bị phạt từ 2.000.000 – 6.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.

Tem đóng phí đường bộ biểu trưng cho việc xe của bạn đã đóng phí bảo trì đường bộ. Tem đóng phí đường bộ có chữ đen viền trắng, màu xanh da trời chủ đạo.

Trong những quy định hiện hành, chưa có quy định về việc xử phạt tem nộp phí đường bộ hết hạn. Do đó, nếu không có tem phí đường bộ, bạn KHÔNG bị phạt hành chính nhưng bạn sẽ phải đóng đầy đủ phí vào lần đăng kiểm tiếp theo.

Phân biệt tem kiểm định và tem nộp phí đường bộ

3. Xe ô tô không tham gia giao thông có cần nộp phí đường bộ không?

Carback trả lời:

Xe không tham gia giao thông VẪN PHẢI ĐÓNG PHÍ ĐƯỜNG BỘ đầy đủ vì:

Xe đã được đăng ký lưu hành (đã được cấp đăng ký xe và biển số xe) là đối tượng lưu hành nên sẽ phải chịu phí đường bộ. Trừ các trường hợp xe không tham gia giao thông hoặc không thuộc hệ thống giao thông đường bộ mà chỉ được sử dụng cố định tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà ga bến cảng…thì sẽ không phải chịu phí đường bộ.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 133/2014/TT-BTC được hướng dẫn bởi Khoản 1 Công văn 4305/ĐKVN-TC năm 2014 thì xe ô tô không chịu phí sử dụng đường bộ trong các trường hợp sau:

  • Xe bị hủy hoại do bị tai nạn không thể dùng được nữa
  • Xe bị nạn do thiên tai, bão lũ
  • Xe bị tịch thu giấy đăng ký xe và biển xe do vi phạm
  • Bị tai nạn không thể lưu hành từ 30 ngày trở lên
  • Xe của trường đăng ký dậy nghề lái xe

Trong trường hợp xe bạn rơi vào 1 trong 5 trường hợp trên thì bạn sẽ được trả lại số phí đã nộp hoặc trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau. Trường hợp trừ vào số phí kỳ sau chỉ áp dụng với xe ô tô vẫn tiếp tục được lưu hành.

Số phí được trả lại hoặc được trừ tương ứng với thời gian không sử dụng đường bộ.

 4. Đăng kiểm chưa hết hạn mà phí đường bộ đã hết hạn có cần đi nộp phí đường bộ ngay không, hay chờ đến kỳ đăng kiểm tiếp theo nộp một thể?

Carback trả lời:

Bạn CÓ THỂ CHỜ ĐẾN KỲ ĐĂNG KIỂM TIẾP THEO để nộp phí đường bộ một thể.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ban hành về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không hề đề cập đến việc xử lý phạt vi phạm không nộp phí đường bộ trên đầu xe.

Bạn sẽ KHÔNG bị CSGT xử phạt hành chính vì hành vi chậm nộp phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, đến kỳ đăng kiểm tiếp theo, cơ quan đăng kiểm sẽ tính toán và truy thu số phí chậm nộp không thiếu 1 ngày.

Trên đây là kiến thức cơ bản về phí sử dụng đường bộ cho xe dưới 10 chỗ mới nhất năm 2021Carback đã tổng hợp được. Thường xuyên truy cập website để có những kiến thức mới nhất về giao thông bạn nhé!

 

Chúc các bạn lái xe an toàn!

 

Link tải ứng dụng đặt xe tiện chuyến Carback dành cho tài xế:

https://carback.vn/app/tai-xe

Link tải ứng dụng đặt xe tiện chuyến Carback dành cho khách hàng:

https://carback.vn/app/khach-hang-mobile?ref=2648